CÂU CHUYỆN VỀ DANH PHÁP KHOA HỌC ĐẦU TIÊN "BỊ LÃNG QUÊN" CỦA KHỦNG LONG

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnDanh pháp khoa học đầu tiên được đặt cho một mẫu vật khủng long hóa thạch có thể khiến bạn đỏ mặt nếu hiểu được ý nghĩa của nó.

Megalosaurus có lẽ là chi khủng long phi điểu đầu tiên được mô tả trong văn bản khoa học. Hóa thạch có thể là sớm nhất của chi khủng long này là phần dưới của một khúc xương đùi, được tìm thấy tại Hệ tầng Taynton Limestone vào thế kỷ XVII, hay chính xác hơn là vào năm 1676. Sau khi đuiợc tìm thấy, Sir Thomas Pennyson đã đưa mảnh xương này cho Robert Plot, giáo sư hóa học tại Đại học Oxford và là giám tuyển đầu tiên của bảo tàng Ashmolean, người đã công bố một bản mô tả kèm hình minh họa của mảnh xương trong cuốn sách Natural History of Oxfordshire cũng trong năm đó. Bức hình này được ghi nhận là hình minh họa xương khủng long đầu tiên trong lịch sử. 

Hình minh họa mảnh xương mà Plot mô tả cùng bìa cuốn sách Natural History of Oxfordshire. Nguồn: Wikipedia.

Robert Plot xác định rằng mảnh xương này quá to để thuộc về một loài động vật đã biết đang sống ở Anh. Ban đầu, nó được vị giáo sư này mô tả là xương đùi của một con voi chiến La Mã, rồi sau đó lại sửa lại là xương của người khổng lồ trong Kinh Thánh. Không may là mảnh xương là sau đó đã bị thất lạc, nhưng hình minh họa được cho rằng vẫn đủ chi tiết để người ta xác định đây có thể là xương của một con khủng long, nhiều khả năng là của Megalosaurus.

Không chỉ vậy, người ta còn tranh luận rằng khúc xương này là mẫu vật khủng long đã tuyệt chủng đầu tiên được đặt danh pháp khoa học. Bức hình minh họa của Plot tái xuất trong một cuốn sách do Richard Brookes viết và xuất bản vào năm 1763. Brookes, trong chú thích của mình, đã gọi mảnh xương này là “Scrotum humanum”, dịch ra tiếng Việt là từ dùng để chỉ “cặp bi” trên cơ quan sinh dục của nam giới. Nếu nhìn hình thì chắc bạn cũng hiểu tại sao Brookes lại gọi như vậy.

Tuy nhiên, cái tên này lại bị lãng quên và thay vào đó, người ta chỉ công nhận danh pháp Megalosaurus bucklandi đối với loài khủng long đầu tiên được xác định trong lịch sử mặc dù theo quy định trong Bộ Danh pháp Động vật học Quốc tế (International Code of Zoological Nomenclature, ICZN), về nguyên tắc danh pháp Scrotum humanum phải được ưu tiên so với danh pháp Megalosaurus bởi nó được công bố trước. Nguyên nhân có thể là vì từ ý nghĩa có thể khiến người khác “đỏ mặt” khi đọc lên của Scrotum humanum, hoặc đơn giản là vì nhiều người quan niệm chỉ một mảnh xương như vậy không đủ để xác định nó thuộc về bất kỳ một loài nào, chưa kể mảnh xương đã bị thất lạc từ lâu. Một nguyên nhân khả dĩ khác đó là vì Brookes không hề coi đó là một mảnh xương khủng long mà ông chỉ coi đó là một viên đá lạ lùng, và cuốn sách của ông nói về những viên đá lạ lùng được tìm thấy trên khắp nước anh. Việc Brookes đặt cho nó một danh pháp khoa học đơn giản là vì khi đó, hệ thống danh pháp của Carl Linnaeus không chỉ áp dụng cho sinh vật mà còn được áp dụng cho các mẫu vật địa chất. 

Cuối cùng, cái tên Scrotum humanum không còn được nhắc đến và theo quy tắc của ICZN, nếu một danh pháp không được công nhận hiệu lực sa năm 1899, nó sẽ được coi là một nomen oblitum, có nghĩa là một “cái tên bị quên lãng” không có hiệu lực.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét