PHÁT HIỆN HÓA THẠCH DỰC LONG CỔ NHẤT TẠI ÚC

[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Những hóa thạch dực long cổ nhất tại Úc có niên đại lên đến hơn 100 triệu năm.

Các nhà cổ sinh vật học đã hoàn thành việc phân tích hai chiếc xương hóa thạch gồm một xương chậu không nguyên vẹn và một chiếc xương cánh nhỏ từ hai cá thể dực long được tìm thấy tại bang Victoria, Úc. Đây là những hóa thạch dực long đầu tiên được tìm thấy tại bang này. Không chỉ vậy, chúng còn là những hóa thạch dực long cổ nhất được tìm thấy tại Úc, cũng như là hóa thạch dực long chưa trưởng thành đầu tiên từng được khai quật tại lục địa này.

"Dực long - những họ hàng gần của khủng long - là những con bò sát có cánh từng bay lượn trên bầu trời của Đại Trung sinh," Adele Pentland, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Curtin và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thời đại Khủng long Úc cho biết.

Dực long (pterosaur) là những loài bò sát có cánh sống cùng thời khủng long.

"Trong Kỷ Phấn Trắng (145-66 triệu năm trước), Úc nằm xa hơn về phía Nam so với ngày nay, và bang Victoria nằm trong phạm vi vòng cực - tức là sẽ có những tuần nơi này chìm trong bóng tối vào cuối mùa đông. Nhưng bất chấp điều kiện khắc nghiệt theo mùa thì rõ ràng là dực long đã tìm ra cách để sinh tồn và phát triển tại đây," Adele nói tiếp.

Các mẫu vật dực long mà Pentland cùng các đồng nghiệp đã phân tích được tìm thấy từ những năm 1980 tại một địa điểm gọi là Vòm Khủng Long (Dinosaur Cove), thuộc Hệ tầng Eumeralla có niên địa từ Kỷ Phần Trắng, Mũi Otway, bang Victoria.

Hóa thạch xương chậu không nguyên vẹn thuộc về một con dực long có thể thuộc họ Archaeopterodactyloidea hoặc Pteranodontia với sải cánh ước tính dài hơn 2 mét.

Trong khi đó, chiếc xương cánh nhỏ thuộc về một con dực long trưởng thành - mẫu vật đầu tiên thuộc dạng này ở Úc.

"Hóa thạch dực long khá hiếm trên toàn thế giới và chỉ có một số ít hóa thạch được tìm thấy tại những khu vực nằm ở khu vực có vĩ độ cổ đại cao, chẳng hạn như Victoria. Vì thế những chiếc xương này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn dực long từng sống ở đâu và chúng to lớn ra sao," Adele nói.

"Bằng cách phân tích những chiếc xương này, chúng tôi có thể xác nhận sự tồn tại của mẫu vật dực long chưa trưởng thành đầu tiên tại Úc, từng cư trú tại các khu rừng ở Victoria khoảng 107 triệu năm về trước."

Nguồn: "107-Million-Year-Old Fossils are Oldest Pterosaur Material Ever Found in Australia" / Sci.News.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét