AI LÀ NGƯỜI VẼ TRANH KHỦNG LONG TRÊN TEM VIỆT NAM?

[Mê Khủng Long TVTrong quá khứ, Việt Nam cũng có những bộ tem khủng long độc đáo, đặc biệt là 2 bộ phát hành năm 1984 và 1990. Ai là người đã vẽ hình những con khủng long (và động vật tiền sử khác) trên 2 bộ tem này?

Tạo hình của những con khủng long trong hai bộ tem này khá cổ điển và không còn chính xác theo khoa học ngày nay, nhưng tạo cảm giác hoài niệm. Những cái tên xuất hiện trong các bộ tem cũng gắn với những cái tên dịch sang tiếng Việt nghe khá lạ tai, chẳng hạn như thằn lằn hai óc (Diplodocus), thằn lằn sọ ngắn (Brachiosaurus) hay thằn lằn răng sắc (Dimetrodon).

Hai bộ tem in hình khủng long năm 1984 và 1990 của Bưu chính Việt Nam.

Theo tìm hiểu của Mê Khủng Long, những bức tranh được dùng để làm hai bộ tem khủng long 1984 và 1990 của Việt Nam đều là tác phẩm của họa sĩ cổ sinh người Czech Zdenek Burian (1905-1981), hoặc không thì cũng là của họa sĩ khác chép lại tranh của Zdenek Burian. 

Bắt đầu vẽ chuyên nghiệp từ năm mới 16 tuổi, cả đời Burian đã vẽ hàng nghìn bức tranh, trong đó có khoảng 500-800 là tranh minh họa cổ sinh. Ông được xem là một trong những họa sĩ cổ sinh có ảnh hưởng nhất lịch sử.

Zdenek Burian là một trong những họa sĩ cổ sinh giàu ảnh hưởng nhất.

Phong cách vẽ của Zdenek Burian hết sức độc đáo. Ông hầu như không được tiếp xúc trực tiếp với hóa thạch của các sinh vật mà ông minh họa. Phần lớn các tác phẩm của ông dựa trên các hình vẽ hoặc ảnh chụp đã công bố của mẫu vật, thậm chí nhiều trường hợp ông chỉ có một bức ảnh duy nhất để làm cơ sở. Mặc dù vậy, ông vẫn rất chú trọng đến giải phẫu học và hình thể, trước hết là của bộ xương. Ông sẽ bắt đầu vẽ với việc phác họa bộ xương trong nhiều tư thế khác nhau, rồi tiếp đó sẽ phác họa đến phần cơ.

Các tác phẩm minh họa cổ sinh của Burian được nhiều nhà phê bình đánh giá có nét lãng mạn nhất định so với những họa sĩ khác. Hiếm khi người ta thấy cảnh chiến đấu hay đổ máu trong các tác phẩm cổ sinh của ông. Kể cả khi có vẽ cảnh chiến đấu thì ông cũng tránh vẽ thời điểm khi tổn thương đã xảy ra. Có những tranh mà Burian lồng vào những sinh vật cổ những nét cá tính hay sự đồng cảm, chẳng hạn như một con Iguanodon già và đơn độc trong bức tranh tạm gọi là "nghĩa địa của đồng loại" vẽ năm 1950 hay bức "Tarbosaurus anh hùng" vẽ năm 1970.

Một bức tranh của Zdenek Burian.

Ông cũng không chỉ chú tâm tới động vật mà phong cảnh hay thực vật trong tranh cũng rất quan trọng. Thay vì cố gắng "lấp đầy" tranh bằng cách nhồi nhét nhiều động vật cổ đại nhất có thể như các tác phẩm đương thời, tranh của Burian là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan và chủ thể. Thực vật thay vì chỉ có một vài loại như tranh của Charles R. Knight thì lựa chọn của Burian rất đa dạng và tự nhiên. Đôi khi thực vật trong tranh của Burian còn nổi bật hơn cả động vật.

Những bức tranh minh họa của Zdenek Burian còn được dùng để minh họa cho phần nói về khủng long trong sách giáo khoa sinh học lớp 7, bản năm 2018 của Việt Nam và có lẽ còn xuất hiện ở nhiều sách vở, ấn phẩm khác nữa. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét