[Mê Khủng Long - Dinophile.vn] Phải chăng ở đại dương sâu thẳm ngoài kia, Megalodon vẫn đang tồn tại như một quái vật thầm lặng và ẩn dật?
Nhiều người tin rằng, "quái vật" Megalodon vẫn đang tồn tại ngoài tầm mắt của con người. |
Thực tế này có lẽ ám chỉ hai điều, thứ nhất là Megalodon đang ngày càng trở thành một quái vật thời tiền sử mà mọi người yêu thích, giống như cái cách mà chúng ta đã yêu thích những anh bạn khủng long ăn thịt khổng lồ như T. rex hay Spinosaurus. Thứ hai là nhiều người trong chúng ta, trong đó có các nhà làm phim, vẫn ám ảnh với suy nghĩ rằng rất có thể, Megalodon chưa hề tuyệt chủng mà vẫn đang lởn vởn đâu đó ngoài kia như một con quái vật thầm lặng và ẩn dật. Đại dương sâu thẳm luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ và biết đâu, Megalodon là một trong số đó?
Vậy thì ngày hôm nay, tại sao chúng ta không thử tìm hiểu về ý tưởng trên cũng như một vài thông tin về Megalodon, siêu cá mập lớn nhất trong lịch sử mà chúng ta biết?
VỀ CÁ MẬP MEGALODON
Khi ra biển, một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người có lẽ là cá mập. Thật ra thì cá mập là một thuật ngữ có phạm vi rất rộng, chỉ một nhóm cá thuộc lớp Cá sụn có đến hàng trăm loài khác nhau, to nhỏ rất đa dạng, và không phải loài nào trong nhóm này cũng ăn thịt hay hung dữ. Nhưng sâu trong tiềm thức của nhiều người thì cá mập là những kẻ săn mồi đáng sợ dưới đại dương, với body và tốc độ của một quả ngư lôi cùng hàm răng sắc nhọn có thể xé toạc da thịt của bạn.
Cá mập thời nay đã vậy, cá mập hàng triệu năm trước còn đáng sợ hơn thế. Những tài liệu được ghi chép từ thời Phục hưng cho biết người xưa đã tìm thấy rất, rất nhiều những chiếc răng hóa thạch khổng lồ hình tam giác mà họ cho rằng đó là răng rồng. Đến thế kỷ XVII thì nhà tự nhiên học người Đan Mạch Nicolas Steno mới xác định chính xác đó là những chiếc răng cá mập, thuộc về một loài cá mập khổng lồ chưa được biết. Và phải đến khi ngành cổ sinh vật học ra đời thì người ta mới xác định đây là một loài cá mập cổ đại, có thể có quan hệ gần gũi với cá mập trắng. Họ đặt cho loài này cái tên Megalodon, có nghĩa là răng khổng lồ và xếp nó vào cùng chi với cá mập trắng lớn, Carcharodon. Tuy nhiên những phân tích sau đó đã xác định lại rằng Megalodon thực chất thuộc về một nhóm cá mập cổ đại đã tuyệt chủng, cụ thể hơn thì nó thuộc chi cá mập Otodus, một họ hàng của cá mập trắng lớn.
Hình vẽ minh họa loài cá mập với những chiếc răng hình tam giác khổng lồ của Nicolas Steno. |
Chỉ cần nhìn vào kích thước răng của Megalodon so với răng của cá mập thời nay, chúng ta cũng có thể hình dung ra rằng nó to lớn như thế nào. Một số ước tính cho rằng, những cá thể Megalodon lớn nhất có thể đạt chiều dài lên đến 20 mét, gấp rưỡi một con khủng long T. rex; còn cân nặng là gần 100 tấn, nặng gấp 10 lần T. rex, biến nó thành một trong những động vật săn mồi lớn nhất mọi thời đại, cả ở dưới biển lẫn trên cạn! Mặc dù vậy thì do là cá sụn, nên bộ xương của Megalodon gần như không được lưu giữ dưới dạng hóa thạch sau nhiều triệu năm. Những hóa thạch phổ biến nhất của loài cá mập này chỉ gồm răng và kế tiếp là đốt sống. Chính vì thế, việc phục dựng ngoại hình của Megalodon chủ yếu dựa trên quan niệm về sự gần gũi giữa chúng và cá mập trắng lớn ngày nay. Ngoài ra thì cũng có những cách diễn giải khác cho rằng Megalodon có ngoại hình giống với cá mập voi hay cá mập phơi vì thân hình to lớn của chúng, nhưng có lẽ những cách diễn giải này không được yêu thích cho lắm vì Megalodon sẽ trông kém hung tợn như một con quái vật hơn.
Bất kể ngoại hình của Megalodon như thế nào, chúng ta đều biết rằng chúng là loài cá mập cực kỳ thành công trong lịch sử đại dương nói riêng và Trái đất nói chung, với hóa thạch được phát hiện ở gần như mọi nơi trên thế giới với số lượng tương đối nhiều. Chính vì thế, Megalodon cũng dần dần đi vào đời sống và văn hóa của con người như một quái vật khổng lồ thời tiền sử, từng thống trị và gieo nỗi khiếp sợ khắp các đại dương của Trái đất sau Thời đại Khủng long cho đến thời điểm 3,6 triệu năm trước. Nguyên nhân chúng tuyệt chủng là gì hiện vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một số nghiên cứu tin rằng sự thay đổi khí hậu và môi trường trên Trái đất đã khiến Megalodon gặp khó khăn trong việc duy trì nòi giống và cuối cùng biến mất hoàn toàn.
PHẢI CHĂNG MEGALODON VẪN CHƯA TUYỆT CHỦNG?
Tuy nhiên, như đã nói ở phần mở đầu, vẫn có khá nhiều người tin rằng Megalodon chưa tuyệt chủng hoàn toàn mà vẫn đang ẩn náu dưới đại dương sâu thẳm, nơi mà con người chúng ta chưa thể hoàn toàn khám phá hết. Một thống kê sơ bộ cho thấy có đến 90% đại dương vẫn là nơi bí ẩn với con người, với những sinh vật chưa ai từng nhìn thấy. Có thể các bạn cũng biết tới thuật ngữ "thalassophobia", dùng để chỉ một nỗi sợ mơ hồ của con người đối với đại dương bí ẩn, chẳng hạn như các sinh vật khổng lồ có thể bất ngờ trồi lên và nuốt chửng bạn khi bạn đang chơi vơi giữa biển cả. Một phần nguyên nhân gây ra "thalassophobia" cũng chính là do hiểu biết quá ít của con người đối với những thứ ở dưới đáy đại dương.
Vậy thì biết đâu, Megalodon sau khi thấy chán cuộc sống ở phần trên của đại dương, chúng đã rút xuống vùng sâu thẳm tăm tối và không được nhìn thấy lại cho đến tận ngày nay, cũng có thể lắm chứ.
Chiếc răng Megalodon được tàu HMS Challenger tìm thấy. Ảnh: Daniel Jones / Twitter. |
Câu chuyện về Megalodon càng trở nên thú vị hơn khi vào năm 1873, trong một chuyến thám hiểm của Hội Hoàng gia Luân Đôn, tàu chiến HMS Challenger của Hải quân Hoàng gia Anh đã tìm được một chiếc răng Megalodon dài hơn 10cm ở độ sâu hơn 4000 mét ngoài khơi Tahiti, và trông chúng còn mới một cách lạ thường, khi có màu trắng, không giống như các hóa thạch răng Megalodon khác. Đến năm 1959, nhà động vật học Wladimir Tschernezky, người có sở thích nghiên cứu các "sinh vật bí ẩn" như Chân To, đã ước tính rằng mẫu vật này chỉ mới 11.300 năm tuổi. Điều này đã làm khơi lên trong cộng đồng những người yêu thích các sinh vật huyền bí rằng Megalodon vẫn tồn tại, vẫn đang sống vui sống khỏe ngoài tầm mắt của con người. Mặt khác, việc con người phát hiện các loài cá mập sống dưới tầng sâu của đại dương như cá mập miệng lớn vào năm 1976, hay phát hiện các động vật tưởng như đã tuyệt chủng và chỉ còn trong hóa thạch như cá vây tay vào năm 1938 càng củng cố thêm niềm tin này.
Vậy nếu suy xét một cách kỹ lưỡng và toàn diện thì, khả năng Megalodon còn tồn tại có thể xảy ra hay không?
NHỮNG LÝ DO MEGALODON KHÔNG THỂ TỒN TẠI ĐẾN NGÀY NAY
Dựa trên những hóa thạch và các nghiên cứu gần đây, các nhà cổ sinh vật học tin rằng, cũng như người họ hàng gần cá mập trắng lớn, Megalodon là một loài cá mập sinh sống và săn mồi gần bờ biển/ Hóa thạch của loài cá mập này thường được phát hiện trong các lớp trầm tích đá ven biển hình thành ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới, theo Kenshu Shimada, nhà nghiên cứu cá mập đến từ Đại học De Paul. Ngoài ra người ta cũng tìm thấy dấu răng của Megalodon trên xương của cá voi cổ đại. Cá voi cổ đại thì cũng giống cá voi ngày nay, cần phải ngoi lên mặt nước để lấy oxy, thế nên kẻ săn chúng là Megalodon cũng sẽ phải lảng vảng ở gần để luôn có sẵn thức ăn.
Megalodon cần nguồn thức ăn dồi dào để cung cấp cho cơ thể khổng lồ của nó. |
Thế nên, như đã nói về nguyên nhân tuyệt chủng của Megalodon, với một loài cá mập thích vùng nước ấm áp và gần bờ biển như vậy, khi nhiệt độ môi trường thay đổi do khí hậu, sự tồn vong của chúng sẽ bị đe dọa. Trong khi đó, ở dưới đại dương, càng xuống sâu thì nhiệt độ nước càng thấp và đó không phải là môi trường lý tưởng cho Megalodon sinh sống. Và nếu có một lý do nào đó thật sự đủ quan trọng để Megalodon hay những hậu duệ của nó phải chấp nhận lánh vào vùng nước sâu thẳm tối tăm lạnh giá dưới đại dương, thì chắc chắn nó sẽ không thể giữ nguyên hình dạng như những gì chúng ta mường tượng dựa ngoại hình của cá mập trắng.
Tựu trung lại thì theo các nhà khoa học, có ba nguyên nhân khiến cho Megalodon khó tồn tại cho đến ngày nay.
Thứ nhất, theo các phân tích đồng vị đối với các hóa thạch của Megalodon, các nhà khoa học nhận định rằng cũng giống như cá mập trắng lớn, Megalodon là loài máu nóng. Nó cần phải di chuyển liên tục và rộng khắp đại dương để duy trì thân nhiệt ấm hơn nước biển, điều đó khiến Megalodon tiêu hao một lượng lớn năng lượng và nó cần ăn thật nhiều để bù vào. Tuy nhiên, đáy đại dương không phải là nơi có nguồn thức ăn phong phú. Những kẻ săn mồi ở đây phải phụ thuộc vào số lượng con mồi khan hiếm cũng như những cái xác chìm xuống từ bên trên.
Thứ hai, cũng bắt nguồn từ điều thứ nhất, sự khan hiếm thức ăn khiến cho các sinh vật dưới đáy đại dương phải tiến hóa theo hướng thu nhỏ kích thước cơ thể và hoạt động hiệu quả về mặt năng lượng. Do đó những loài cá mập sống ở vùng nước sâu, nơi đủ bí ẩn để thoát khỏi ánh mắt của con người, thường chậm chạp và có thân hình thanh mảnh, trái với thân hình to lớn của cá mập trắng cũng như Megalodon.
Và thứ ba, những gã khổng lồ đại dương dù có sống ẩn dật đến mấy thì cũng khó có chuyện chúng không thể để lại bất kỳ dấu vết nào mà con người có thể nhìn thấy. Chiếc răng mà tàu chiến HMS Challenger phát hiện thực chất có niên đại cổ hơn nhiều so với ước tính của Tschernezky, và màu trắng của chiếc răng có thể là do nó được bảo quản dưới một lớp vỏ khoáng chất mangan dioxide nên có tốc độ phân hủy chậm hơn những chiếc răng khác. Ngay cả những sinh vật khổng lồ ít thấy như mực khổng lồ cũng thường để lại dấu vết là những cái xác ở nhiều nơi trên thế giới.
KẾT LUẬN
Như vậy, có thể khẳng định rằng khả năng Megalodon vẫn đang còn tồn tại dưới đáy biển sâu là rất thấp, nếu không muốn nói là bằng không. Và dù có đi chăng nữa, thì những hậu duệ của nó cũng đã thay hình đổi dạng đến mức bạn không thể nhận ra đó là Megalodon nữa. Điều duy nhất có thể níu kéo niềm tin của các fan Megalodon chính là khoa học không thể khẳng định 100% bởi như đã nói, đại dương vẫn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ. Ai tin thì vẫn sẽ cứ tin mà thôi, và thậm chí họ còn chuyển thể niềm tin của mình vào những tác phẩm văn chương, điện ảnh như bộ phim The Meg 2 sắp sửa ra rạp trong thời gian tới. Nếu là một fan trung thành của Megalodon và muốn trải nghiệm cảm giác con quái vật mà bạn yêu thích trồi lên từ đại dương, gieo rắc nỗi kinh doanh cho những con người ngây thơ vô số tội, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua bộ phim này.
0 Nhận xét